Luồng hàng hải không đạt độ sâu so với chuẩn tắc thiết kế khiến hàng loạt doanh nghiệp khai thác cảng ngồi trên đống lửa khi “tuột tay” nhiều thương vụ bạc tỷ do không thể kết nối với các hãng tàu mẹ.

Khó cạnh tranh vì luồng “lệch chuẩn”

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó TGĐ Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) cho biết, hàng tuần, cảng CMIT tiếp nhận 20 chuyến tàu mẹ và liên minh các hãng tàu lớn nhất thế giới với kích cỡ tàu trung bình 9.000 TEU/130.000 DWT. “Tuy nhiên, từ cuối năm 2017 đến nay, luồng hàng hải Vũng Tàu – Thị Vải không được duy tu nạo vét nên hiện chỉ đạt độ sâu 13m, có những đoạn chỉ đạt dưới 12m. Vì vậy, dù nhiều tàu Á – Âu lớn đã thử nghiệm cập cảng thành công nhưng đến nay vẫn chưa ký hợp đồng chính thức vì luồng hàng hải không đạt chuẩn ra – vào thường xuyên”, ông Kỳ nói và cho biết, hành trình của tàu liên tục bị ảnh hưởng sẽ khiến các hãng tàu rời bỏ Cái Mép chuyển về các cảng khác trong khu vực, hàng hóa lại phải trung chuyển đến các cảng ở Singapore, Malaysia để kết nối với tàu mẹ.

Cùng trong cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, cảng liên doanh SP-PSA đang gặp nhiều khó khăn trong việc đón tàu nông sản. “SP-PSA hiện chỉ khai thác một bến 400m, độ sâu trước bến 2 chỉ còn -7m, bến 1 là -13m. Với mớn nước ấy, cảng phải chờ thủy triều lên mới đón những tàu có mớn nước từ -13m và không thể đón hai tàu cùng lúc. Hạn chế này khiến cảng mất ít nhất 6 tàu nông sản Panamax và lượng hàng mất đi sẽ tăng lên nhiều lần nếu việc phê duyệt nạo vét tiếp tục chậm trễ”, đại diện cảng SP-PSA chia sẻ.

Trong khi đó, tại khu vực Hải Phòng, nếu đầu năm 2018, nhiều doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển “than ngắn, thở dài” khi phải cắt giảm hàng nghìn tấn hàng trên mỗi chuyến tàu bởi luồng cạn thì đến nay, tất cả đã thở phào nhẹ nhõm khi luồng Hải Phòng dần được khơi thông.

“Từ tháng 5/2018, các gói thầu nạo vét duy tu luồng hàng hải Hải Phòng đoạn kênh Cái Tráp, luồng Bạch Đằng, sông Cấm, Phà Rừng đồng loạt triển khai. Trước những vướng mắc về thủ tục đổ chất nạo vét biển, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc (TCT BÐATHHMB) đã tìm phương án đổ chất nạo vét lên đảo Vũ Yên (thuộc quận Hải An và huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) trên cơ sở chấp thuận của các cấp chức năng. Đến nay, các đoạn luồng hàng hải đã đạt chuẩn tắc thiết kế (-7m), tạo điều kiện cho các tàu lớn ra vào cảng biển”, ông Đồng Trung Kiên, Tổng giám đốc TCT BĐATHHMB nói.

Khơi thông thủ tục môi trường bằng cơ chế đặc thù

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, ngoài các quy định như những năm trước đây, các tuyến luồng đổ chất nạo vét ra ngoài biển từ năm 2017 phải thực hiện thêm thủ tục cấp giấy phép nhận chìm ở biển và giao khu vực biển theo các quy định tại Nghị định số 40/2016 và Nghị định số 51/2014 của Chính phủ. Ngay từ đầu năm, Cục Hàng hải VN đã làm việc với UBND các địa phương đề nghị giới thiệu vị trí đổ chất nạo vét theo hướng ưu tiên các vị trí trên bờ.

“Tính đến tháng 8/2018, các tuyến luồng thực hiện đổ chất nạo vét trên bờ như: Soài Rạp – Hiệp Phước, Diêm Điền, Sài Gòn – Vũng Tàu, Hải Phòng hoàn thành và nghiệm thu đưa vào sử dụng. Các tuyến luồng phải đổ chất nạo vét ra biển như: Luồng Hòn Gai – Cái Lân, luồng Cửa Lò, luồng Vũng Tàu – Thị Vải (bao gồm luồng hàng hải Sông Dinh) vẫn chưa thể triển khai thi công do tiến độ chấp thuận, phê duyệt các thủ tục về môi trường chậm”, ông Sang nói.

Cục trưởng Cục Hàng hải VN bày tỏ lo ngại khi vị trí tiếp nhận chất nạo vét trên bờ ngày càng khó tìm kiếm hoặc nếu tìm được thì diện tích tiếp nhận chất nạo vét cũng rất hạn chế. “Các vị trí được cấp phép thường có cự ly vận chuyển khá xa hoặc phải thực hiện công tác GPMB, dẫn đến giá thành nạo vét cao. Về lâu dài, giải pháp đổ chất nạo vét ngoài biển vẫn là tối ưu hơn cả”, ông Sang chia sẻ.

Đặc biệt, theo ông Sang, vừa qua, Cục Hàng hải đã tham mưu Bộ GTVT trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa. Trong đó, đề xuất một số quy định đặc thù đối với các thủ tục về môi trường theo quy định hiện hành. “Khi Nghị định được ban hành sẽ giảm một số thủ tục như: Giảm việc thực hiện đánh giá tác động môi trường nhiều lần; Sử dụng hồ sơ lập dự án nhận chìm ở biển lần đầu cho các lần tiếp theo đổ ra biển; Không phải thực hiện thủ tục giao khu vực biển và đóng tiền sử dụng khu vực biển (đối với hoạt động nạo vét, duy tu bằng ngân sách Nhà nước)”, ông Sang nói.

Ông Trần Đức Thi, Phó TGĐ TCT BĐATHH miền Nam cho biết, luồng hàng hải Vũng Tàu – Thị Vải đang tồn tại 2 dải cạn, gồm: Đoạn luồng từ phao số 0 đến sông Cái Mép và đoạn từ phao số 17 đến phao số 19 với khoảng 1,1 triệu mét khối bùn đất phát sinh. “Trước khó khăn trong việc xin cấp phép nhận chìm và khu vực biển nhận chìm chất nạo vét (ngoài khơi Vũng Tàu), UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chấp thuận cho đổ chất nạo vét ở vị trí bên cạnh sông Mỏ Nhát (xã Long Sơn, Vũng Tàu). Đơn vị có thẩm quyền đã lập xong báo cáo tác động môi trường để trình Bộ TN&MT phê duyệt. Nếu thuận lợi, công tác duy tu nạo vét luồng sẽ được tiến hành trong tháng 9 này”, ông Thi nói.

(Theo Báo Giao thông)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây