1.  Trang chủ
  2. Tin tức
  3. Tin hàng hải trong nước và quốc tế

Vinalines quyết bán nhà máy sửa chữa tàu biển dù lỗ khủng

Đăng lúc 15:19:55 Ngày 29/06/2017 | Lượt xem 1560

Theo phương án thoái vốn tại Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines (VNLSY) vừa được Vinalines trình Bộ Giao thông – Vận tải, “ông lớn” trong ngành vận tải biển Việt Nam sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn đầu tư tại VNLSY càng sớm càng tốt.

Cụ thể, Vinalines muốn chuyển nhượng số cổ phần có giá trị 262,5 tỷ đồng, tương đương 88,65% vốn điều lệ (thực góp) cho thành viên góp vốn còn lại trong VNLSY là Công ty cổ phần Phát triển hàng hải (Vimadeco). Trong trường hợp Vimadeco từ chối mua lại lô cổ phần này, Vinalines sẽ thực hiện bán đấu giá qua thị trường chứng khoán.

Hoạt động chủ yếu của VNLSY kể từ khi thành lập là quản lý, bảo vệ ụ nổi 83M tai tiếng.

Được biết, giá trị dự kiến thu hồi từ phần vốn góp tại VNLSY tạm tính tại Chứng thư thẩm định số 16110901/CTTĐG/KT2/

ATC ngày 9/11/2016 do Công ty TNHH Hãng kiểm toán và định giá ATC xác định chỉ khoảng 81,7 tỷ đồng; chênh lệch (lỗ dự kiến) là 180,7 tỷ đồng. Nếu tiến hành bù trừ công nợ với VNLSY, Vinalines sẽ chỉ thu về không đầy 5 tỷ đồng.

Đây là một trong những trường hợp thoái vốn dưới mệnh giá cay đắng nhất trong quá trình tái cơ cấu các đơn vị thành viên của Vinalines.

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết, hiện tại, Tổng công ty không còn bất cứ lý do gì để níu giữ sự hiện diện của mình tại VNLSY, nếu không muốn tiếp tục dấn sâu thêm vào vòng xoáy thua lỗ.

Được thành lập năm 2008 – thời điểm hoàng kim của ngành vận tải biển, VNLSY có mục tiêu huy động vốn, đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển của Vinalines tại xã Mỹ Xuân, huyện Xuân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trên diện tích 92,5 ha. Nhà máy có tổng mức đầu tư lên tới 6.490 tỷ đồng này, nếu hoàn thành, có thể bao trọn gói công tác sửa chữa đội tàu của Tổng công ty mẹ (23 – 25 tàu trọng tải đến 40.000 DWT/năm trong giai đoạn 2008 – 2015), trước khi trở thành cơ sở sửa chữa tàu biển hàng đầu khu vực với 110 – 120 tàu biển có tải trọng đến 100.000 DWT vào năm 2020.

Theo đăng ký kinh doanh được cấp năm 2008, VNLSY có vốn điều lệ đăng ký là 800 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn góp của Vinalines theo cam kết là 85%, tương đương 680 tỷ đồng. Tuy nhiên, cuối tháng 6/2016, vốn thực góp của các cổ đông mới dừng ở con số 296,5 tỷ đồng.

Trái với kỳ vọng ban đầu, kể từ khi thành lập, VNLSY hầu như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do dự án đầu tư chưa được triển khai, nên hoạt động của VNLSY chủ yếu là quản lý, bảo vệ ụ nổi 83M tai tiếng neo đậu tại cảng Gò Dầu – Đồng Nai.

Vào tháng 4/2016, VNLSY đã bán đấu giá thành công ụ nổi 83M với giá trị 38,5 tỷ đồng (trong khi giá trị sổ sách lên tới gần 300 tỷ đồng). Đồng thời, do ụ nổi đã bàn giao cho người mua trong tháng 5/2016, nên đến ngày 30/6/2016, VNLSY đã thanh lý hợp đồng với toàn bộ công nhân trông coi. Hiện số lao động của VNLSY chỉ vỏn vẹn 2 người, gồm Tổng giám đốc và Kế toán trưởng – những nhân sự tối thiểu đảm bảo duy trì hoạt động của VNLSY trong khi chờ định hướng chỉ đạo của cấp trên.

Điều đáng nói là, theo báo cáo tài chính của VNLSY, trong 9 tháng đầu năm 2016, công ty con này đã lỗ 185,9 tỷ đồng do chuyển nhượng ụ nổi dưới giá trị sổ sách.

Bên cạnh đó, sau khi rà soát quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Vinalines nhận thấy việc xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển là không khả thi bởi ngay cả các nhà máy đã đầu tư hoàn chỉnh, hiện đại của Việt Nam và thế giới cũng đều không có đơn hàng, phải đóng cửa, dừng hoạt động.

“Ngay cả khi chấp nhận thoái vốn dưới mệnh giá, Vinalines cũng thu được ít nhất 4 yếu tố tích cực: chấp hành tốt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thoái vốn ngoài ngành; thu hồi được một phần vốn đầu tư; tránh mất thêm chi phí khi VNLSY thực hiện giải thể; có cơ hội tìm được khách hàng tiềm năng trong trường hợp chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư bên ngoài”, ông Tĩnh cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây