Hàng hải Việt Nam đang có những bước chuyển biến căn bản, mở cửa hội nhập quốc tế, tiếp cận và hòa mình vào dòng chảy công nghệ 4.0 để xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia.
Chuyển mình theo năm tháng
Với lợi thế là quốc gia ven biển, nằm trên tuyến vận tải biển quốc tế sôi động nhất của khu vực và thế giới, nước ta có điều kiện rất thuận lợi để phát triển kinh tế biển, góp phần phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững.
Nắm bắt được lợi thế này, trong nhiều năm qua, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm đến phát triển kinh tế biển, phát triển hàng hải, đặc biệt là cảng biển, dịch vụ vận tải biển với những đề án, quyết định quy hoạch thiết thực, tầm nhìn xa.
Sau gần 20 năm thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, cơ sở hạ tầng cảng biển đã được nâng lên về nhiều mặt. Hiện nay, tổng số bến cảng được công bố là 272 bến cảng với khoảng 92,2km dài cầu cảng, với tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm. Hệ thống cảng biển Việt Nam đã được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng như cầu bến, phao neo, trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa được phát triển cơ bản hoàn chỉnh, đầy đủ chức năng, quy mô và được phân bố trải rộng theo vùng miền, tận dụng tối đa được điều kiện tự nhiên, đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa vận tải bằng đường biển, phục vụ tích cực cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội vùng ven biển và cả nước, tạo động lực thu hút, thúc đẩy các ngành kinh tế, công nghiệp liên quan cùng phát triển.
So với năm đầu tiên thực hiện quy hoạch (2000), hệ thống cảng biển Việt Nam đã tăng lên 4,4 lần về chiều dài bến cảng. Năng lực bến cảng được quan tâm, nâng cấp cải tạo để tiếp nhận các tàu có trọng tải ngày càng lớn hơn. Hầu hết các cảng tổng hợp, đầu mối khu vực bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghi Sơn, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An đã được đầu tư mới và cải tạo nâng cấp cho phép tiếp nhận tàu có trọng tải đến 30.000 DWT và lớn hơn phù hợp với xu thế phát triển của đội tàu biển thế giới.
Nhiều bến cảng đầu tư mới với quy mô hiện đại cho phép tiếp nhận tàu trọng tải lớn đến hàng trăm ngàn tấn như các bến cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và bến cảng Lạch Huyện (TP. Hải Phòng). Ngày 20/02/2017, bến cảng CMIT – cảng Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiếp nhận thành công tàu container lớn nhất thế giới hiện nay với trọng tải từ 18.300TEU (194.000 DWT). Đây là cơ sở quan trọng, khẳng định năng lực cảng biển Việt Nam, tạo tiền đề để các hãng tàu sử dụng cảng biển Việt Nam làm mắt xích trong chuỗi hải trình toàn cầu.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên tại Việt Nam, các bến cảng chuyên dùng hành khách đã được quan tâm, đầu tư xây dựng tại Hòn Gai (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang). Các bến cảng này đi vào hoạt động sẽ cho phép tiếp nhận tàu khách quốc tế có trọng tải đến 225.000 GT, bước đầu đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách du lịch quốc tế bằng đường biển.
Ngoài ra, những dịch vụ cảng biển ngày càng hoàn thiện, thủ tục hành chính cho tàu biển không ngừng được cải thiện, rút ngắn thời gian chờ đợi tàu. Mặt khác, do nhu cầu hàng hóa vận tải bằng đường biển ngày càng lớn nên đã thu hút các hãng tàu mở tuyến tàu mẹ kết nối với cảng Cái Mép – Thị Vải. Tại khu vực đã thiết lập được 20 tuyến vận tải container quốc tế và 6 tuyến vận tải container nội địa.
Các bến cảng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải và Lạch Huyện hoàn thành đưa vào khai thác có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải lớn là cơ sở rất quan trọng, tạo tiền đề để đưa cảng biển Việt Nam trở thành mắt xích trong chuỗi vận tải, logistics toàn cầu.
Phát triển tiềm năng
Đánh giá về lĩnh vực hàng hải, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, Việt Nam là đất nước có hàng hóa xuất nhập khẩu chiếm tỉ trọng cao. Hầu hết hàng hóa đều phải đi qua cảng biển để vào thị trường nội địa. Vì vậy, ngành Hàng hải là một trong những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của ngành GTVT. Thời gian qua, hàng hải cũng chính là ngành thực hiện cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ nhất của Bộ GTVT, tiệm cận nhanh với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang lan tỏa mạnh mẽ.
Tuy nhiên Bộ trưởng cho rằng, ngành Hàng hải vẫn chưa tận dụng được hết tiềm năng. Sự kết nối với 4 phương thức còn lại, đặc biệt với đường sắt và đường thủy nội địa vẫn còn yếu, tình trạng “có cảng, kho bãi nhưng không có đường” vẫn tồn tại. Trên cơ sở đó, trong những năm tiếp theo, Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam phải nghiên cứu, thực hiện tốt ngay từ khâu quy hoạch. Theo Bộ trưởng, phát triển cảng biển không cần nhiều quy hoạch mới nhưng phải có quy hoạch tốt để có những trung tâm cảng thực sự chất lượng và phát triển đồng đều tại các khu vực.
Trước những yêu cầu đặt ra của Ngành, của đất nước, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang cho biết, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, chủ động, sáng tạo triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Theo đó, Cục sẽ triển khai chương trình hành động và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, Cục tiếp tục xây dựng các đề án, quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, quy hoạch chi tiết bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng và tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Có thể thấy, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ, sự phát triển không ngừng về mọi mặt cùng với sự nỗ lực của toàn thể CB, CNV ngành Hàng hải nói riêng và ngành GTVT nói chung, những năm tới hàng hải Việt Nam sẽ tiếp tục có những chuyển biến căn bản, đột phá để phát triển, tương xứng với vị trí, tiềm năng biển, để nước ta trở thành “quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển” như đã được đề ra trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2018 sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 524,7 triệu tấn (không bao gồm sản lượng hàng hóa quá cảnh không bốc dỡ), tăng 19% so với năm 2017. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt 141,1 triệu tấn, tăng 13,8%; hàng nhập khẩu đạt 171,2 tấn, tăng 14,7%; hàng nội địa đạt 221,6 triệu tấn, tăng 25,7%.Hành khách qua cảng đạt 5,8 triệu hành khách, tăng 28,9% so với năm 2017.Lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng trưởng ở mức cao đều qua các năm đã góp phần giảm tải cho đường bộ, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải, đồng thời góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương.
(Theo Tạp chí GTVT)