Theo dự báo của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, đến năm 2020, tổng khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ đạt khoảng 202 – 224 triệu tấn (17,6 – 19,5 triệu TEU) và cán mốc khoảng 406 – 467 triệu tấn (35,3 – 40,6 triệu TEU) giai đoạn đến năm 2030.
Thống kê của Cục Hàng hải VN cũng cho thấy, trong hơn 20 năm qua, tổng lượng hàng container qua cảng biển đã tăng gần 30 lần. Nếu như năm 1995, lượng hàng này mới đạt 3,4 triệu tấn (532 nghìn TEU), đến năm 2017 con số này đã lên tới 165,7 triệu tấn (14,3 triệu TEU), chiếm 31,9%. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng hàng container đạt 8,7 triệu TEU, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy vậy, theo Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, hiện ở khu vực phía Bắc, công tác vận chuyển container trên các hành lang còn chưa hợp lý; Nhất là vận tải container chặng Hải Phòng – Lào Cai, đường bộ chiếm tới 72%, đường sắt chiếm 27%, đường thủy nội địa chiếm dưới 1%, chưa giúp chủ hàng giảm được giá thành vận tải.
“Năng lực vận tải của các tuyến sông cũng còn nhiều hạn chế, hiện chỉ có cảng của Công ty TNHH Hải Linh (Phú Thọ) có 157m bến bốc xếp container và 228m bến làm hàng tổng hợp. Về vận tải đường sắt, năng lực xếp dỡ hàng container còn yếu kém, trong 12 ga được phép vận chuyển container chỉ có 3 ga: Hải Phòng, Yên Viên, Lào Cai có thiết bị bốc xếp”, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho hay.
Trong khi đó, theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), việc tổ chức vận tải hàng container khu vực phía Nam đạt hiệu quả cao hơn khi có 35 – 40% lượng hàng container đến các cảng biển chính ở khu vực TP.Hồ Chí Minh bằng đường thủy nội địa.
Cũng theo đại diện VLA, ngoài việc đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển đủ năng lực, các cấp chức năng cần sớm nghiên cứu, phát triển một mạng lưới cảng cạn và các trung tâm phân phối hàng hóa/trung tâm logistics hiện đại, đồng bộ, có quy mô hợp lý để nâng cao chất lượng logistics, tạo thuận lợi trong việc luân chuyển hàng hóa container đi/đến cảng biển.
(Theo Báo Giao Thông)