Các DN ở Việt Nam đang phải chịu cước vận tải cao hơn hàng trăm USD so với Trung Quốc hay các quốc gia trong khu vực có khoảng cách tương đương khi thực hiện XNK hàng hóa đến thị trường Australia.
Nghịch lý “đường ngắn, cước cao”!
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2017, tổng trị giá kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Australia đạt gần 6,5 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 3,3 tỷ USD và nhập khẩu đạt gần 3,2 tỷ USD. Trong tháng 1/2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 305 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 290 triệu USD.
Hiện, mức cước vận tải từ khu vực cảng TP.HCM đi Sydney (Australia) với khoảng cách 4.577 hải lý, là 1.141 USD/container (loại 20 feet) và 1.703 USD/container (loại 40 feet).
Theo Hiệp hội cảng biển Việt Nam (VPA), mức cước này cao hơn so với cước vận tải từ Thượng Hải, Hồng Kông (Trung Quốc), hay Thái Lan, Singapore. Trong khi khoảng cách giữa các tuyến vận tải khá tương đồng, thậm chí nhiều tuyến có khoảng cách xa hơn nhưng cước vẫn thấp hơn.
Đơn cử như từ cảng Thượng Hải (Trung Quốc) đến Sydney có khoảng cách tới 4.632 hải lý nhưng cước vận tải chỉ là 911 USD/container loại 20 feet (thấp hơn so với từ TP.HCM 230 USD), và 1.360 USD/container loại 40 feet (thấp hơn từ TP.HCM 343 USD).
Hay từ Bangkok (Thái Lan) đi Sydney có khoảng cách tới 4.984 hải lý (xa hơn so với từ TP.HCM 407 hải lý) nhưng giá cước vẫn thấp hơn nhiều so với số tiền DN phải trả khi vận chuyển hàng từ TP.HCM. Cụ thể, mức cước từ Bangkok đi Sydney là 973 USD/container loại 20 feet, thấp hơn so với từ TP.HCM 168 USD và với container 40 feet là 1.463 USD, thấp hơn 240 USD…
Việc phải bỏ thêm chi phí hàng triệu đồng/container (vài trăm USD) khi XNK hàng hóa với Australia khiến cho DN Việt Nam gặp thêm nhiều khó khăn khăn, nhất là trong bối cảnh không ít DN trong nước vẫn có quy mô vừa và nhỏ. Việc phải trả cước cao hơn dẫn đến chi phí tăng cũng làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ở thị trường Australia.
Cước cao vì tàu nhỏ
Theo VPA, giá cước vận tải biển do hãng tàu thoả thuận với chủ hàng và phụ thuộc vào một số yếu tố như khối lượng, trị giá hàng hóa. “Hàng hóa trị giá cao có thể chịu giá cước cao hơn, lô hàng lớn có thể được hưởng chế độ giảm giá nhiều hơn, hàng của chủ hàng truyền thống có thể có chế độ ưu đãi riêng của hãng tàu…”- đại diện VPA cho hay.
Mặt khác, giá cước còn phụ thuộc vào cự li, cỡ tàu, tuyến vận tải có đi thẳng hay qua trung chuyển…
Mặc dù, nêu nhiều lí do để nói về câu chuyện cước vận tải, nhưng VPA thừa nhận, trong điều kiện tương đương về lô hàng, điều kiện vận chuyển, chủ hàng Việt Nam xuất khẩu hàng đi Australia có thể phải chịu giá cao hơn so với chủ hàng Trung Quốc ở một số yếu tố và sai biệt về giá (mức chênh lệch khoảng 500 USD) do sử dụng tàu nhỏ dưới 4.000 TEU và phải trung chuyển qua Singapore.
Đại diện VPA cho rằng, hàng hóa XNK bằng container của Việt Nam đi Australia chủ yếu qua khu vực cảng TP.HCM. Việc giá cước từ TP.HCM đi Sydney cao hơn các cảng trong khu vực dù cự li ngắn hơn như đề cập ở trên xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu do hãng tàu phải sử dụng tàu nhỏ để vào khu vực cảng TP.HCM và trung chuyển đi Singapore sau đó dùng tàu lớn chuyển tiếp đi Australia.
“Nếu có đủ hàng để hãng tàu biển mở tuyến đi thẳng giữa Việt Nam và Australia bằng tàu lớn qua cảng nước sâu Cái Mép (Bà Rịa- Vũng Tàu) thì mỗi container XNK của Việt Nam sẽ giảm được khoảng 200 USD cước cho hãng tàu khi cạnh tranh với hàng hóa XNK từ Trung Quốc. Vấn đề kèm theo là lợi ích này sẽ được chia sẻ như thế nào giữa hãng tàu nước ngoài với chủ hàng Việt Nam và cảng biển Việt Nam”- đại diện Hiệp hội cảng biển Việt Nam cho biết thêm. Ngoài nội dung nêu trên, VPA kiến nghị cơ quan chức năng xem xét làm rõ thêm việc chênh lệch cước vận tải đến Australia giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực.
Hiện, Australia là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch XNK đạt hàng tỷ USD mỗi năm, do đó, việc tiết giảm các chi phí, tạo thuận lợi cho cộng đồng DN sẽ giúp cho các DN trong nước khai thác tốt hơn nữa thị trường quan trọng này.
Liên quan đến vấn đề cước vận tải từ Việt Nam đến Australia cao hơn các nước trong khu vực được báo chí phản ánh gần đây và nội dung kiến nghị của VPA, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính xem xét, xử lý và có văn bản trả lời Hiệp hội.
(Theo Báo Hải quan)