CMIT (Cai Mep International Terminals Ltd) là cảng liên doanh giữa Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam, Cảng Sài Gòn và Tập đoàn APM Terminals – tập đoàn khai thác cảng công-ten-nơ hàng đầu thế giới, thành viên tập đoàn A.P Moller-Maesk của Đan Mạch. Trong những năm đầu tiên đi vào hoạt động từ 2011-2015, CMIT đã gặp rất nhiều khó khăn do nguồn hàng và giá cước không ngừng sụt giảm, chưa kể đến việc kết nối hậu phương khu vực sau cảng chưa được hoàn thiện

Gần hai năm qua, với nỗ lực giữ chân các khách hàng hiện tại và thu hút các khách hàng mới, tìm các giải pháp phối hợp với nhiều bên nhằm tăng nguồn hàng trung chuyển từ miền Bắc và trung Việt Nam về trung chuyển tại Cái Mép, đồng thời triển khai các dịch vụ gia tăng giá trị, dịch vụ rửa/sửa container, dịch vụ vận tải trucking, một số dịch vụ logistics cảng để phục vụ các nhu cầu của hãng tàu và chủ hàng; kết hợp với các hãng tàu tiếp xúc với các khách hàng là chủ hàng tại các khu vực lân cận nhằm thu hút thêm nguồn hàng trực tiếp qua cổng cảng. Ngoài ta, CMIT đã không ngừng tăng năng suất hoạt động bốc dỡ hàng hóa, tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng sử dụng cho thiết bị cảng để giảm bớt chi phí. Việc hoàn thành các thủ tục liên quan đến việc tái cơ cấu theo những điểm thỏa thuận mới đã góp phần cải thiện chi phí lãi vay cũng như dòng tiền của CMIT.

Năm 2016 tổng sản lượng thông qua cảng (bao gồm sản lượng tàu mẹ và sà lan) đạt trên 1.2 triệu TEUs, cảng khai thác đạt công suất thiết kế. Cảng tiếp nhận làm hàng cho 497 chuyến tàu (tàu mẹ tuyến xa và tàu nội địa). Doanh thu của cảng năm 2016 đạt 22.64 triệu USD.

Trong sáu tháng đầu của năm 2017, CMIT đã tiếp nhận làm hàng cho 187 chuyến tàu (tàu mẹ tuyến xa và tàu nội địa). Tổng sản lượng thông qua cầu cảng (bao gồm sản lượng tàu mẹ và sà lan) đạt 357.244 quay moves, tương đương với 620.834 TEUs; đạt 46.63% so với kế hoạch của năm 2017 (1.3 triệu TEUs) và tương đương 107.66% so với cùng kỳ năm ngoái. 6 tháng 2017, doanh thu của cảng 11.4 triệu USD, đạt 103% so với kế hoạch đề ra.

Do có đối tác nước ngoài trong Cảng CMIT là APM Teminals, công ty chị em với với Maesk Line (Thành viên Tập đoàn A.P Moller-Maesk) nên CMIT được coi là cảng quan trọng trong chuỗi dịch vụ toàn cầu của A.P.Moller-Maesk và luôn duy trì được tuyến dịch vụ của hãng tầu Maersk Line tại cảng.

Trong chuyến thăm và làm việc với AP Moller–Maersk Group tại Copenhagen (Đan Mạch) tháng 7/2017, Q. Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Nguyễn Cảnh Tĩnh và ông Anders Wurtzen, Phó chủ tịch Tập đoàn đã nhấn mạnh, CMIT là một cột mốc quan trọng trong việc hợp tác giữa Vinalines và Maersk. Việc đưa thành công tàu 18.000TEU vào CMIT mới đây đã khẳng định cam kết lâu dài của Tập đoàn với Việt Nam và Vinalines. Hai bên cũng thống nhất trong thời gian tới sẽ tiếp tục hợp tác với Vinalines trong các vấn đề như nâng tầm quan hệ chiến lược giữa hai bên song song với việc cải thiện chất lượng dịch vụ và hoàn thiện nguồn nhân lực; Hợp tác trong cung cấp dịch vụ vận tải nội địa/ Feedering của Vinalines cho Maersk ; Nghiên cứu tham gia hợp tác đầu tư với Vinalines trong một số dự án phát triển như dự án cảng Lạch Huyện. Bên cạnh đó, Tập đoàn A.P Moller-Maesk cũng quan tâm đến tiến trình IPO của Vinalines vào cuối năm nay.

(Theo Vinalines)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây